19.6.21

Hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu - Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng

 

HẠN MỨC ÁP DỤNG HÌNH THỨC CHỈ ĐỊNH THẦU –
LỘ TRÌNH ÁP DỤNG LỰA CHỌN NHÀ THẦU QUA MẠNG

I. HẠN MỨC ÁP DỤNG HÌNH THỨC CHỈ ĐỊNH THẦU
1. Các trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu không vượt quá 500 triệu đồng gồm: 
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn;
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ công.
2. Đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên (gồm các trang thiết bị dành cho cơ quan và nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước theo luật định, vật tư, vật liệu sử dụng thường xuyên; quần áo là đồng phục;…) thì hạn mức chỉ định thầu không quá 100 triệu đồng.

3. Các trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu không vượt quá 01 tỷ đồng bao gồm:
  • Gói thầu mua sắm hàng hóa;
  • Gói thầu mua thuốc hoặc vật tư y tế;
  • Gói thầu mua sản phẩm công;
  • Gói thầu xây lắp;
  • Gói thầu hỗn hợp.
Vậy nên, gói thầu muốn áp dụng hình thức chỉ định thầu thì cần phải thuộc một trong các trường hợp đã quy định tại Luật Đấu thầu và kèm theo một số điều kiện riêng trong từng trường hợp.

4. Các gói thầu đáp ứng được điều kiện chung và điều kiện riêng trong từng trường hợp để được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì vẫn có thể lựa chọn áp dụng theo các hình thức lựa chọn nhà thầu khác. Việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác được nhà nước khuyến khích.

* Ngoài áp dụng đối với các gói thầu trên, việc chỉ định thầu còn áp dụng cho các nhà đầu tư trong các trường hợp như: có duy nhất nhà đầu tư đăng ký thực hiện; trong lĩnh vực thu xếp vốn, bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ, công nghệ có duy nhất nhà đầu tư đủ khả năng để thực hiện; khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư đưa ra được dự án khả thi và có thể đạt hiệu quả cao nhất.

5. Có hai quy trình trong việc thực hiện hình thức chỉ định thầu: Quy trình chỉ định thầu thông thường và quy trình chỉ định thầu rút gọn. 
  a. Quy trình chỉ định thầu thông thường gồm có 05 giai đoạn: sau khi lập, thẩm định, duyệt hồ sơ yêu cầu việc lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ yêu cầu được bán cho những nhà thầu nhất định; nhà thầu khi biết nội dung hồ sơ yêu cầu thì chuẩn bị hồ sơ đáp ứng được những yêu cầu đó; tiếp theo là giai đoạn đánh giá hồ sơ và đưa ra việc thẩm định, đánh giá và chuẩn duyệt kết quả chỉ định thầu; cuối cùng nếu kết quả chỉ định thầu đạt yêu cầu thì sẽ tiến tới ký kết hợp đồng. 
  b. Quy trình chỉ định thầu rút gọn (chỉ áp dụng trong trường hợp để xử lý kịp thời hoặc khắc phục hậu quả do sự kiện bất khả kháng; thực hiện gói thầu để kịp thời tránh gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách hoặc trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu): gói thầu được giao trực tiếp cho nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm sau đó việc hoàn thiện tất cả thủ tục chỉ định thầu diễn ra trong vòng 15 ngày và đi đến ký kết hợp đồng. Trường hợp thực hiện hình thức chỉ định thầu có hạn mức chỉ định thầu thì ngoài việc thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn vẫn có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu thông thường. 

Quy trình chỉ định thầu: 
    Quy trình chỉ định thầu được thực hiện theo một trong hai hình thức, hình thức thứ nhất là "Quy trình chỉ định thầu thông thường" và hình thức thư hai là "Quy trình chỉ định thầu rút gọn", hai quy trình này được quy định tại Điều 55 và Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc không quy định rõ gói thầu nào, hạn mức ra sao thì được áp dụng theo quy trình nào cũng gây rất nhiều lúng túng cho các bên mời thầu. Đây cũng là điểm bất cập lớn của Nghị định 63/2014/NĐ-CP đối với hình thức chỉ định thầu vì đa số đều muốn thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn cho đơn giản, nhanh chóng. Khi thực hiện theo quy trình rút gọn này các bạn cần lưu ý:

- Thứ nhất: Đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu, trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước thì được thực hiện theo dạng hoàn hồ sơ, tức là làm trước và hoàn thủ tục sau.

- Thứ hai: Đối với gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu và được thực hiện theo hình thức Chỉ định thầu rút gọn thì xác định rõ được "Mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt", như vậy ngầm hiểu là gói thầu nào có đầy đủ 3 yếu tố đó thì mới được chỉ định thầu rút gọn.

Rất may sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT như sau:
1. Hình thức chỉ định thầu theo quy trình thông thường được áp dụng đối với gói thầu thuộc trường hợp chỉ định thầu quy định tại các điểm b, c, d, đ và gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, đồng thời đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13.

Hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn được áp dụng đối với gói thầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 (trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước), gói thầu có giá gói thầu nằm trong hạn mức chỉ định thầu quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Đối với gói thầu có giá gói thầu nằm trong hạn mức chỉ định thầu, các tổ chức, cá nhân áp dụng Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này; đối với gói thầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 nhưng giá gói thầu không nằm trong hạn mức chỉ định thầu thì vận dụng Mẫu hợp đồng thuộc Mẫu số 01, 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
 

Mẫu hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu:

Mẫu hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu được quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT, để tiện theo dõi và sử dụng chúng tôi cung cấp các mẫu số 01, 02 kèm theo dưới đây:
- Mẫu số 01: Chỉ định thầu xây lắp.
- Mẫu số 02: Chỉ định thầu mua sắm hàng hóa.

II. LỘ TRÌNH ÁP DỤNG LỰA CHỌN NHÀ THẦU QUA MẠNG
(Theo Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2020 và thay thế Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC)

- Năm 2020:

+ Tổ chức lựa chọn nha thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc gói thầu có tính đặc thù.

+ Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

- Năm 2021:

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc gói thầu có tính đặc thù.

+ Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

- Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025:

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp.

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng toàn bộ (100%) gói thầu mua sắm tập trung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu bạn muốn góp ý, gửi bài viết hoặc câu hỏi,... vui lòng liên hệ qua mail hoặc để lại nhận xét. Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog!
(Thắc mắc, yêu cầu của bạn sẽ được giải đáp trong thời gian sớm nhất có thể.)